Nguồn Cung Lưu Thông (Circulating Supply) Là Gì?
Khi quyết định đầu tư vào loại tiền điện tử nào, nhà đầu tư cần xem xét nhiều khía cạnh của dự án. Trong khi nhiều người chỉ tập trung vào biến động giá của tiền điện tử, các nhà đầu tư có kinh nghiệm thực hiện nghiên cứu sâu rộng về dự án, chẳng hạn như nghiên cứu các mục tiêu, công nghệ và tokenomics của dự án.
Một trong những khía cạnh cơ bản của coin hoặc token mà bạn nên xem xét là nguồn cung lưu thông. Bài viết này sẽ tập trung vào việc giải thích nguồn cung lưu thông là gì, tại sao nó lại quan trọng và nó thay đổi như thế nào.
Nguồn cung lưu thông trong tiền điện tử là gì?
Nguồn cung lưu thông là một thuật ngữ chỉ số lượng coin hoặc token đang được lưu hành. Đang được lưu hành có nghĩa là được bày bán công khai và đang lưu hành trên thị trường. Những coin/token này thuộc quyền sở hữu của các sàn giao dịch, người dùng tiền điện tử hoặc thậm chí là các công ty.
Theo cách gọi thông thường, đây là những coin sẵn có, có thể được sử dụng bất cứ lúc nào. Một số trong số đó có thể bị khóa tạm thời trong ví cá nhân hoặc hợp đồng thông minh tuy nhiên vẫn có thể tìm đường trở lại thị trường mở.
Ba loại nguồn cung
Có ba loại nguồn cung token, mỗi loại có một định nghĩa.
Nguồn cung lưu thông đề cập đến các loại tiền mà công chúng có thể truy cập được. Ngoài ra còn có tổng cung, thường là con số tương tự như nguồn cung lưu thông. Số liệu này bao gồm tất cả các token đã được tạo kể từ khi khởi chạy dự án. Tuy nhiên, không giống như nguồn cung lưu thông, tổng cung bao gồm các coin hoặc token đã bị đốt sau khi tạo.
Tiếp theo là nguồn cung tối đa, đề cập đến tất cả các đồng xu hoặc token thuộc về một số loại tiền điện tử có thể tồn tại, bao gồm tất cả các coin đang lưu hành, đã bị đốt, và chưa được phát hành. Vì hầu hết các loại tiền điện tử đều được giới hạn ở một số lượng token cụ thể, nguồn cung tối đa là con số này đại diện cho giới hạn đó.
Nguồn cung lưu thông, tổng cung, và nguồn cung tối đa
Nguồn cung tối đa của Bitcoin (BTC) là 21 triệu coin và vì không có đồng nào trong số đó bị đốt cháy nên số Bitcoin đang lưu hành và tổng nguồn cung là như nhau. Tại thời điểm viết bài, có 18.342.431 BTC đang lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, vì cứ sau 10 phút Bitcoin lại giải phóng 6,25 BTC cho mỗi khối được giải nên con số này thay đổi liên tục. Lượng lưu hành và tổng nguồn cung của BTC sẽ tiếp tục tăng cho đến khi hai con số này trùng với nguồn cung tối đa. Khi điều này xảy ra, tất cả BTC sẽ được coi là “đang lưu hành”.
Ngoài ra, chúng ta có Cardano (ADA) là một ví dụ về một dự án đang đốt tiền của chính mình, nghĩa là cả ba nguồn cung đều khác nhau. Nguồn cung lưu thông của Cardano tại thời điểm viết bài là 34.766.119.444 ADA, đây là số coin đang được lưu hành. Trong khi nguồn cung tối đa của ADA là 45 tỷ, đây là số lượng ADA tối đa có thể tồn tại. Tuy nhiên, tổng cung của Cardano là 35.660.688.967. Điều này có nghĩa là Cardano đã đốt 894.569.523 coin cho đến nay. Một lần nữa, những con số này sẽ thay đổi theo thời gian khi nhiều coin bị đốt cháy và phát hành vào lưu thông hơn.
Tại sao nguồn cung lưu thông lại quan trọng?
Tiền điện tử không được hỗ trợ bởi các tài sản có giá trị trong thế giới thực. Tất nhiên, stablecoin là ngoại lệ, còn hầu hết các loại tiền điện tử đều là tài sản không được hỗ trợ. Như vậy, chúng có thể rất biến động, có nghĩa là giá của chúng liên tục thay đổi.
Một trong những lý do cho điều này là thực tế là giá của tiền điện tử được xác định bởi cung và cầu. Như vậy, lý do tại sao nguồn cung lưu thông lại rất quan trọng là khá rõ ràng. Càng ít tiền đang lưu hành, giá trị của một coin sẽ càng lớn. Tất nhiên, chỉ sự khan hiếm thôi là chưa đủ - các nhà đầu tư phải có lý do để muốn có đồng tiền này, bởi chỉ vì một coin hiếm là không có nghĩa là các nhà đầu tư muốn sở hữu coin đó.
Nguồn cung lưu thông cũng được sử dụng để tính vốn hóa thị trường của tiền điện tử. Vốn hóa thị trường được sử dụng để xác định mức độ “lớn” của một dự án tiền điện tử. Ví dụ, Bitcoin là loại tiền điện tử lớn nhất tính theo vốn hóa thị trường, tiếp theo là Ethereum, v.v.
Bạn có thể tính vốn hóa thị trường của Bitcoin bằng cách nhân nguồn cung lưu hành của nó với giá mỗi coin. Điều này giúp xác định quy mô của một dự án tiền điện tử và so sánh dự án ấy với các dự án khác trong ngành.
Nguồn cung lưu thông của một loại tiền điện tử có thể thay đổi không?
Như đã bàn trong suốt bài viết này, nguồn cung lưu thông của một loại tiền điện tử là không cố định. Một số đồng tiền nhất định có nguồn cung tối đa và không bị đốt cuối cùng sẽ có nguồn cung lưu thông cố định. Ví dụ, Bitcoin sẽ có nguồn cung lưu thông cố định sau khi tất cả BTC được khai thác. Tuy nhiên, các đồng tiền như Ethereum lại khác, chúng không có nguồn cung tối đa, vậy nên nguồn cung lưu thông của chúng sẽ tiếp tục thay đổi mãi mãi.
Khai thác ảnh hưởng đến nguồn cung lưu thông như thế nào?
Khai thác hoặc đúc tiền mới là một cách để tăng nguồn cung lưu thông. Quá trình khai thác diễn ra khi các giao dịch được xử lý và các khối được tạo. Bằng cách xử lý các giao dịch, những người khai thác đóng gói chúng thành các nhóm được gọi là khối. Đổi lại cho việc đóng góp thời gian, điện năng và sức mạnh tính toán, họ sẽ được thưởng bằng tiền điện tử. Quá trình này ở mỗi dự án sẽ khác nhau tùy thuộc vào cơ chế đồng thuận mà tiền điện tử đó sử dụng.
Một lần nữa, hãy lấy Bitcoin làm ví dụ. Những người khai thác xử lý các giao dịch BTC, đóng gói chúng thành các khối và nhận BTC mới làm phần thưởng. Đây là những đồng tiền đã bị khóa trước đó và là một phần của nguồn cung tối đa, nhưng không phải là nguồn cung lưu thông. Tuy nhiên, qua quá trình khai thác, chúng đã trở thành một phần của nguồn cung lưu thông. Để đảm bảo rằng quá trình xử lý giao dịch được tiếp tục, người tạo ra Bitcoin đã đưa ra ý tưởng halving, tạm dịch là “giảm một nửa”.
Tác động của halving
Đúng như tên gọi, giảm một nửa là một quá trình mà thứ gì đó bị giảm đi một nửa. Trong trường hợp này, đó là phần thưởng khối tiền điện tử bị giảm một nửa. Giảm một nửa được phát minh bởi Satoshi Nakamoto - người cha đẻ bí ẩn của Bitcoin. Ông đã đưa ra quyết định rằng phần thưởng khối của Bitcoin sẽ bị cắt giảm một nửa sau mỗi 210.000 khối được khai thác.
Khi lần đầu tiên ra mắt, Bitcoin đã thưởng cho những người khai thác 50 BTC mỗi khối. Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua và 210.000 khối đã được khai thác, phần thưởng đã giảm một nửa xuống còn 25 BTC. Sau 210.000 khối khác, nó lại giảm một nửa xuống còn 12,75 BTC mỗi khối, sau đó một lần nữa là 6,25. Trong tương lai, halving sẽ tiếp tục và phần thưởng sẽ ngày càng nhỏ hơn. Hy vọng rằng đến lúc đó giá của Bitcoin sẽ tiếp tục tăng, dẫn đến việc số lượng BTC dù nhỏ hơn nhưng vẫn sẽ mang lại phần thưởng lớn cho những người khai thác.
Đốt cháy token
Nguồn cung lưu thông cũng có thể bị ảnh hưởng bởi việc đốt token. Đốt token là một cơ chế được giới thiệu để giảm nguồn cung lưu thông của dự án. Tất nhiên, các token không thực sự bị đốt cháy vì chúng không tồn tại dưới dạng vật lý. Thay vào đó, chúng được đưa vào một hợp đồng thông minh một chiều.
Đây là khi các nhà phát triển tạo ra một hợp đồng thông minh nơi tiền có thể đi vào, nhưng không thể đi ra. Khi các nhà phát triển hoặc cộng đồng bỏ phiếu đốt một số tiền nhất định, họ sẽ khóa những đồng tiền đó bên trong hợp đồng thông minh. Thao tác này sẽ loại bỏ coin/token khỏi nguồn cung lưu thông, khóa chúng mãi mãi. Khi đó, nguồn cung lưu thông sẽ trở nên nhỏ hơn, có nghĩa là sẽ có ít nguồn cung hơn cho cùng một nhu cầu.
Đốt token là một cách hiệu quả để kiểm soát các token không có nguồn cung tối đa, đồng thời làm giảm nguồn cung lưu thông với nguồn cung tối đa quá mức.
Biết nguồn cung lưu thông của bạn
Như đã thảo luận ở trên, nguồn cung lưu thông đóng một vai trò quan trọng trong mọi loại tiền điện tử. Đây là số liệu có thể được sử dụng để tính toán hiệu suất trong tương lai của đồng tiền và thậm chí có thể được sử dụng để phân tích kỹ thuật.
Các loại tiền điện tử không có nguồn cung tối đa sẽ tiếp tục bơm ra các coin mới. Theo lý thuyết, nếu không có cơ chế đốt token, giá của token đó có thể sẽ giảm khi nguồn cung lưu thông tăng lên. Nếu cầu không đổi hoặc tăng chậm hơn cung, giá trị của đồng tiền sẽ giảm xuống. Cách chữa trị duy nhất cho vấn đề này là tiến hành đốt token thường xuyên và kiểm soát nguồn cung lưu thông. Hãy ghi nhớ điều này khi lập kế hoạch đầu tư dài hạn tiếp theo của bạn.
Câu hỏi thường gặp
Nguồn cung lưu thông cao có tốt không?
Nguồn cung lưu thông cao hơn có thể có nghĩa là thanh khoản lớn hơn. Tuy nhiên, nguồn cung cao thường ngăn giá của tài sản tăng lên. Càng có nhiều coin hoặc token thì giá trị của chúng càng thấp và ngược lại.
So sánh tổng cung và nguồn cung lưu thông?
Tổng cung đề cập đến tất cả coin hoặc token của một dự án tiền điện tử có thể tồn tại. Mặt khác, nguồn cung lưu thông chỉ nói đến những đồng tiền/token đang được lưu hành. Ví dụ, Bitcoin có tổng cung là 21 triệu, nhưng không phải tất cả chúng đều được khai thác (đang lưu hành).
Điều gì xảy ra nếu nguồn cung lưu thông đạt đến nguồn cung tối đa?
Khi nguồn cung lưu thông đạt đến nguồn cung tối đa, điều đó có nghĩa là tất cả các đồng tiền đã được khai thác và đang lưu hành trên thị trường. Điều này cho thấy rằng sẽ không bao giờ có bất kỳ coin mới nào được phát hành, Kết quả là tạo ra sự khan hiếm và khiến giá của tài sản tăng lên.
© 2024 OKX. Có thể sao chép hoặc phân phối toàn bộ bài viết này, hoặc dùng đoạn trích từ 100 từ trở xuống trong bài viết này, cho mục đích phi thương mại. Mọi hành vi sao chép hoặc phân phối toàn bộ bài viết đều cần nêu rõ: "Bài viết này thuộc bản quyền của © 2024 OKX và được sử dụng với sự cho phép". Các đoạn trích hợp lệ phải trích dẫn tên của bài viết và đưa phần ghi công vào, ví dụ: "Tên Bài viết, [tên tác giả nếu có], © 2024 OKX". Không được tạo tác phẩm phái sinh hay dùng bài viết này cho mục đích khác.